Tinh gọn bộ máy chính phủ

Việt Nam đang thực hiện một trong những cải tổ hành chính lớn nhất trong lịch sử, hướng tới xây dựng một Chính phủ tinh gọn, hiệu quả và sát thực tiễn. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chính phủ sẽ giảm từ 30 đầu mối xuống còn 21, bao gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là bước đi quan trọng trong việc hiện thực hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Kế hoạch tái cơ cấu cụ thể

Tinh gọn bộ máy chính phủ

Việc sắp xếp, hợp nhất các bộ và cơ quan ngang bộ không chỉ nhằm giảm số lượng đầu mối mà còn giải quyết các vấn đề chồng chéo trong nhiệm vụ quản lý. Một số thay đổi quan trọng bao gồm:

  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáp nhập Bộ Tài chính, dự kiến đổi tên thành Bộ Tài chính và Đầu tư Phát triển hoặc Bộ Kinh tế Phát triển.
  • Bộ Giao thông Vận tải hợp nhất Bộ Xây dựng, thành Bộ Hạ tầng và Đô thị, tối ưu hóa quản lý cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị.
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tạo ra Bộ Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, khắc phục tình trạng phân mảnh trong quản lý nguồn nước và đa dạng sinh học.
  • Bộ Thông tin và Truyền thông sáp nhập Bộ Khoa học và Công nghệ, trở thành Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ, đáp ứng xu hướng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
  • Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hợp nhất Bộ Nội vụ, thành Bộ Nội vụ và Lao động, với một số chức năng chuyển giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
  • Bộ Ngoại giao: Tiếp nhận nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
  • Bộ Quốc phòng: Sắp xếp tổ chức bên trong theo quyết định Bộ Chính trị.

Sắp xếp các cơ quan trực thuộc

Ngoài việc tinh gọn các bộ, Chính phủ cũng sẽ tiến hành sắp xếp lại các cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ – theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, thực hiện các phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy của Chính phủ khoá XV và XVI (nhiệm kỳ 2026 – 2031). Cụ thể như sau:

  • Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ chấm dứt hoạt động.
  • Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ sẽ được sắp xếp phù hợp.
  • Hai Đại học Quốc gia tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được sắp xếp lại theo hướng hợp lý hóa tổ chức.

Định hướng phát triển trong giai đoạn mới

Tinh gọn bộ máy chính phủ

Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng việc tái cơ cấu không chỉ nhằm giảm đầu mối mà còn tập trung vào nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ cam kết có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi, giảm thiểu áp lực tâm lý đối với lực lượng lao động trong quá trình chuyển đổi. Trong đó, Bộ Nội Vụ sẽ:

  • Xây dựng các phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sát nhập với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  • Cùng với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành lập đề án hợp nhất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với Bộ Nội Vụ (sau khi đã hoàn thành việc chuyển giao nhiều chức năng cho bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế).
  • Phối hợp với Ủy ban Dân tộc để chuyển nhiệm vụ và chức năng Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.

Cùng với đó, kế hoạch giảm biên chế từ 15-20% ở các cơ quan sẽ được thực hiện, ngoại trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng vẫn tuân theo quyết định của Bộ Chính trị.

Ban Cán sự Đảng Chính Phủ chấm dứt hoạt động

Thay vào đó, sẽ thành lập:

  • Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương (gồm các tổ chức Đảng trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đảng bộ trong tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng Thương mại Nhà nước).
  • Đảng uỷ Chính phủ và Đảng bộ các Bộ, cơ quan Ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ (gồm Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư và Phó Bí thư).

Xây dựng bộ máy Nhà nước “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”

Theo tinh thần của các nghị quyết:

  • Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
  • Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
  • Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

Tiến hành việc sắp xếp, cải tổ, sát nhập một cách hiệu quả để phát huy vai trò của Chính phủ như một cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện hiệu quả các quyền hành pháp theo quy định của Hiến pháp.

Qua đó, mỗi cơ quan sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ nhưng vẫn đảm bảo tính chuyên trách cho từng nhiệm vụ cụ thể của một cơ quan nhất định. Đây là nhu cầu cực kỳ cấp thiết trong điều kiện mới của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

By chauptn